Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2015, Việt Nam nhập hơn 14 triệu tấn thép các loại. 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập 10,3 triệu tấn. Với đà này, Hiệp hội ước tính năm 2016 nhập khẩu 17,5 triệu tấn thép.
Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, nhu cầu thép trong nước tiếp tục tăng. Giai đoạn 2025 - 2030 cần khoảng 25 - 35 triệu tấn thép các loại. Trong khi năng lực sản xuất thép dài của Việt Nam khoảng 11 triệu tấn, tương đối đáp ứng đủ nhu cầu thì sản xuất thép dẹp còn rất khiêm tốn, khoảng 4 triệu tấn. Các sản phẩm cuốn cán nóng hoàn toàn phải nhập khẩu.
Đồng tình với ông Hoài, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép nhận định: Đến nay ngành thép đã có thể đáp ứng nhu cầu trong nước về thép xây dựng, thép ống hàn, thép cuộn cán nguội và tôn mạ các loại. Tuy nhiên, do ngành thép phát triển chưa đồng bộ nên nhiều loại thép vẫn chưa sản xuất được như thép cuộn cán nóng, thép cuốn cán nóng, thép cuốn cán nguội, các loại thép hợp kim và thép công nghiệp... phải nhập khẩu tương đối lớn.
DN thép phải tăng năng lực cạnh tranh
Nhìn lại năng lực của các doanh nghiệp (DN) trong nước, ông Nguyễn Văn Sưa không khỏi lo lắng khi cạnh tranh giữa thép trong nước với thép nhập khẩu, đặc biệt là thép nhập khẩu giá rẻ Trung Quốc ngày càng quyết liệt. Trong khi đó, hầu hết DN ngành thép Việt Nam đều ở mức độ vừa và nhỏ.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã áp thuế tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu. Điều này đã góp phần hạn chế khó khăn cho DN sản xuất thép trong nước. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, DN thép phải nâng cao năng lực cạnh tranh về công nghệ, năng lực tài chính, quản trị... Điều quan trọng là phải có những DN quy mô lớn để đủ năng lực cạnh tranh sản phẩm nhập khẩu và vươn ra thế giới.
Còn theo ông Trương Thanh Hoài, ngành thép hiện nay đa phần là các dự án quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu sản xuất thép xây dựng. Chưa có DN nào có sản lượng hàng năm trên 2 triệu tấn. Trong bối cảnh hàng rào thuế quan dỡ bỏ, việc hình thành các công ty quy mô lớn để giảm chi phí sản xuất, vận hành là rất quan trọng.
“Sắp tới Bộ Công Thương sẽ khuyến khích một số nhà đầu tư hình thành tổ hợp sản xuất thép lớn, thiên về thép kết cấu và thép chế tạo, hạn chế sản xuất thép xây dựng bởi ta đang dư thừa. Nếu vẫn duy trì các dự án nhỏ vài trăm nghìn tấn như hiện nay thì không cạnh tranh được do tiêu hao nhiên liệu và chi phí vận hành lớn”, ông Hoài cho hay.
Ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó TGĐ Tổng công ty Thép Việt Nam cho rằng, các quy hoạch ngành thép các năm 2001, 2007, 2013 đã đưa ra được các mục tiêu phát triển nhưng lại đi sâu, quy hoạch quá chi tiết từng tên dự án, tên chủ đầu tư, quy mô, công suất nhà máy, quy mô từng loại sản phẩm cụ thể... Điều này trong các giai đoạn trước đây thì phù hợp nhưng hiện nay lại vô hình chung tạo ra rào cản.
Vì vậy ông Nguyên đề xuất, để các DN ngành thép phát triển theo cơ chế thị trường, cơ quan quản lí nhà nước nên bỏ quy hoạch ngành. Điều này cũng phù hợp với dự thảo Luật Quy hoạch mà Bộ Kế hoạch Đầu tư đang xây dựng. Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào từng dự án cụ thể mà xây dựng các bộ quy định về việc thực hiện đầu tư dự án trên cơ sở xây dựng chính sách cho phát triển ngành, kèm theo chiến lược sử dụng tài nguyên, khoa học công nghệ, tiết kiệm sử dụng năng lượng. Còn các vấn đề cụ thể của từng dự án như sản phẩm gì, quy mô bao nhiêu thì để thị trường tự quyết định. Có như vậy, các cơ quan nhà nước sẽ quản lý được theo đúng chức năng và vẫn tạo điều kiện cho chủ đầu tư chủ động điều chỉnh theo quy luật thị trường